Nội dung được nhiều cử tri đề cập nhất chính là những khó khăn trong sản xuất nuôi trồng thủy sản. Thủy sản là ngành mũi nhọn của tỉnh, trong những năm qua tỉnh đã rất quan tâm đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, trong nuôi trồng, sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình dịch bệnh trên tôm hiện nay chưa có biện pháp phòng chống hiệu quả, bên cạnh đó người dân còn hạn chế về khoa học – kỹ thuật nên lúng túng khi có dịch bệnh xảy ra. Khi tôm chết (thời gian qua dịch bệnh teo gan tụy làm tôm chết hàng loạt ở nhiều nơi) người dân cũng chưa được hỗ trợ thiệt hại theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chưa thực hiện hỗ trợ thiệt hại đối với người nuôi trồng thủy sản là vì Thông tư số 39/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT
“không có quy định” bệnh teo gan tụy là dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ thiệt hại. Như vậy, người nuôi trồng thủy sản bị thiệt thòi khi tôm chết do dịch bệnh teo gan tụy.
Cử tri lại “ước” rằng: Sao tôm không chết do bị bệnh nào đó được quy định trong danh mục của Thông tư số 39 mà là bệnh teo gan tụy? Bên cạnh đó, tình trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm, bởi việc làm này đem lại lợi nhuận cao nên một số đối tượng, cơ sở thu mua bất chấp việc vi phạm pháp luật, thực hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, khi sản xuất đưa ra thị trường không đảm bảo chất lượng, không tiêu thụ được, giá tôm nguyên liệu bị hạ xuống. Và chính người nuôi tôm lại bị thiệt thòi.
Trong những năm qua, Trung ương và địa phương đã cố gắng, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, các công trình ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ việc trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, nhưng do nguồn vốn có hạn nên hầu hết các công trình thủy lợi của tỉnh chậm được đầu tư, xây dựng, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của bà con. Đối với đê Biển Tây hiện nay có một số đoạn quá thấp, khi thủy triều dâng làm nước mặn tràn vào nội đồng ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân. Vấn đề thủy lợi được cử tri nhiều nơi quan tâm, yêu cầu nạo vét một số tuyến kênh thủy lợi… Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn có hạn nên không thể đầu tư đồng loạt các nơi trong tỉnh, mà chọn những nơi bức xúc nhất đầu tư. Vì vậy, người dân phải chờ đợi và khắc phục khó khăn để sản xuất tốt.
Trong những năm qua tỉnh rất quan tâm đầu tư, thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn và tạo được bước phát triển đáng kể, đến nay có 275.082 hộ được sử dụng điện, chiếm 95,14% tổng số hộ trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri nhiều bà con cử tri rất bức xúc về tình hình đầu tư mạng lưới điện hiện nay. Một số khu vực, nhất là nông thôn, điều kiện khó khăn lại chưa có điện sinh hoạt, người dân phải sử dụng điện chia hơn với giá cao, đặc biệt là câu kéo thiếu an toàn, nguy cơ xảy ra những sự cố về điện đang rình rập người dân. Tuy nhiên, cũng vì nguồn vốn đầu tư phát triển lưới điện có hạn nên người dân phải cam chịu, chia sẻ, cảm thông và không ngừng hy vọng “điện mau về xóm mình”.
Điều mà bà con khá lo lắng hiện nay là về trạng một số trường học không đảm bảo chất lượng. Thực tế một số điểm trường xây xong đưa vào sử dụng không bao lâu đã hư hỏng nặng, có những trường (ở nông thôn) đã quá cũ, xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào nhưng chưa được đầu tư xây dựng, sửa chữa kịp thời. Giáo viên, học sinh không an tâm giảng dạy, học tập. Nếu không may có sự cố gì thì các em nhỏ phải gánh chịu hậu quả.
Bên cạnh đó, bà con cử tri còn phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề như đầu tư đường ô tô về trung tâm xã, xây dựng giao thông nông thôn còn hạn chế, tiến độ thực hiện chậm. Về quy trình, thủ tục thực hiện chế độ chính sách với người có công còn rườm rà, phức tạp, nhiều đối tượng không có điều kiện để làm hồ sơ (không người xác minh vì họ đã mất), từ đó chán nản rồi bỏ,… cử tri đề nghị cần nghiên cứu giải pháp để người có công được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều cử tri đề nghị nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, khôi phục một số khu di tích lịch sử, văn hóa như: nơi ở và làm việc của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khu di tích Bác Ba Phi… để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Những vấn đề nóng như giá xăng dầu, giá điện, chất tạo nạc trong chăn nuôi heo, tình hình tai nạn giao thông, đào tạo nghề ở nông thôn, chất lượng của các công trình, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa giảm, các vi phạm chậm được xử lý, luật pháp chưa có chế tài xử lý nghiêm… được bà con hết sức quan tâm.
Qua tiếp xúc, đại diện các sở ngành, địa phương và các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã giải thích, trao đổi làm rõ, cung cấp cho cử tri nhiều thông tin về tình hình chung của tỉnh cũng như những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặc dù cử tri cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của địa phương, đất nước, nhưng không ít bà con vẫn còn khá nhiều bức xúc, lo lắng. Vì hiện nay, không ít bà con nhân dân còn nghèo, còn khó khăn quá.
Cứ sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri, với trách nhiệm của người đại biểu lại nhiều thêm những suy nghĩ, trăn trở từ những tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Đó là: làm sao để giải quyết được những vấn đề cử tri đặt ra, làm sao để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân… để họ thêm tin tưởng vào chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, để cùng chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Phạm Ngọc